Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại.
Đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, là nhu cầu chính đáng
của mỗi người. Sách mang đến nguồn tri thức để người đọc có thể trải nghiệm,
học tập, nghiên cứu, thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống, làm giàu thêm vốn
sống của bản thân mỗi người.
Theo số liệu thống kê tháng 04/2016, ở các nước phát triển như:
Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước
trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm;
Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn
sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Như vậy,
văn hóa đọc sách của người dân còn rất hạn chế.
Ngày nay, giới trẻ chúng ta có rất nhiều phương tiện để có thể tiếp cận
thông tin thuận tiện như: Xem tivi, nghe radio, lướt web bằng điện thoại, máy
tính bảng, máy vi tính,… vì thế văn hóa đọc sách gần như bị mai một.
Sự phát triển của công nghệ thông
tin, của khoa học kỹ thuật làm cho một bộ phận không nhỏ chúng ta tìm những thú vui khác như: các trang mạng xã
hội, lối sống ảo, các trò giải trí trên mạng …, bên cạnh đó việc bị cuốn vào
vòng quay của cuộc sống mà quên đi những lợi ích thiết thực của việc đọc sách
đem lại, nhiều khi thông tin tràn ngập nhưng mà vẫn thấy thiếu, đó là khoảng trống
không thể lấp đầy nếu không chịu đọc sách, nghiên cứu và tìm tòi. Học tập tấm
gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách đọc sách sau đây có thể gợi ý cho bạn có cái nhìn khác về vấn đề này.
Bác Hồ luôn đọc rất nhiều sách báo mỗi ngày
Hồ Chủ tịch
với vấn đề đọc sách và tự học
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề
sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Về văn hoá
tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi tôi mới nhìn thấy
ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.” Vậy
mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng
như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét : “Hiếm có chính khách nào của thế
kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng
lớn và sự thông minh trong cuộc đời”
(1) .
Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch
đã không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói
chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm ( Vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ
Chủ tịch đã tâm sự : “Tôi năm nay 71 tuổi,
ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt
mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được
tóm gọn trong mấy câu sau : “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn
nhau và học ở dân” (2).
Hồ Chủ tịch đã luôn coi trọng và miệt mài đọc
sách sách báo.. Và không chỉ đọc sách bằng chữ quốc ngữ, sách Hán mà
Người còn đọc cả sách Pháp. Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và
là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do,
bình đẳng, bác ái là gì ?
Điều
đầu tiên chúng ta cần phải chú ý đến phương pháp đọc của Bác Hồ, đó là : Muốn trở thành người
hiểu biết phải đọc cho rộng và khi đọc phải có ghi chép và phân loại, đánh dấu
vào những chỗ đọc thấy cần thiết ngay các thông tin trong sách báo.
Với ý thức không muốn mất thời gian đọc đi
đọc lại để nhặt thông tin, nên khi đọc, nghiên cứu tài liệu Hồ Chủ tịch luôn
chú trọng đến việc ghi chép, đánh dấu,
gạch chân, đóng khung và thậm chí cắt gián. Với cường độ đọc cao, một ngày
khoảng trên hai chục tờ báo trong và ngoài nước nếu không có những biện pháp
đọc khoa học thì khó có thể nhớ và tổng hợp hết được các vấn đề và thông tin đã
đọc. Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, Bác đã từng căn
dặn : “Những cái gì đã nghe, đã thấy,
đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng để viết”. Không có ghi
chép cẩn thận thì những khi cần sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm lại.
Với Hồ Chủ tịch, đọc sách không chỉ cho riêng
bản thân mình mà Người luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các
bài viết hoặc thông tin được đăng trong sách báo. Trong “Nhật
ký hành trình của Hồ Chủ tịch”, Người đã viết: “Mỗi ngày, Cụ xem
chừng 25 tờ báo. Báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần, báo ngoại quốc. Báo có gì
hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem”.
Theo Người, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người
mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình
hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ.
Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà
báo, nhà văn lại càng phải đọc. Người khuyên chúng ta : “Muốn có nhiều tài
liệu phải xem cho rộng...Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều
tài liệu chừng ấy” (5).
Và Người còn nói thêm : “Tìm tài liệu cũng giống như công tác khác, phải
chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác,
rồi ghép hai ba vấn đề, hai ba con số làm thành tài liệu mà viết” (6).
Bác Hồ luôn chú trọng việc đọc đi đôi với hành
Bài
học thứ hai có thể rút ra trong phương pháp đọc sách báo
của Hồ Chủ tịch là đọc luôn phải có suy
nghĩ kĩ càng không nhất thời hồ đồ tin ngay theo sách. Người
đã từng nhấn mạnh : “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do
tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng
từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với
bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi : “ vì sao” đều phải suy
nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt
tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn. (7)”
Với những sách báo quan trọng, có những từ
hoặc vấn đề không hiểu Người có thể đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu
cặn kẽ mới thôi. Ví dụ điển hình nhất cho nguyên lý này là việc Bác Hồ đọc tác
phẩm “Tư bản luận” của Mác và “Luận cương”
của Lênin. Chính nhờ việc đọc sâu hiểu kỹ Người đã có thể đem những điều
đã đọc vào áp dụng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đọc sách báo là một
công việc nhiều người có thể làm được, nhưng đọc để hiểu được cái thần của
sách, đánh giá được những ưu điểm và hạn chế của sách báo thì không phải ai
cũng làm được. Muốn làm được điều đó đòi hỏi người đọc phải có sự hiểu biết
rộng và khả năng phân tích tổng hợp tốt.
Sinh thời Người rất không tán thành lối đọc để mà đọc, không hiểu biết thực sự
những điều đã đọc và theo Người đó là dạng đọc phù phiếm. Trong
cuốn “Về vấn đề học tập” trang 58 đã nêu một ý kiến rất xác đáng
của Bác : “Có đồng chí thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin.
Họ tự cho mình là người hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi
gặp việc thực tế, thì họ hoặc máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm
của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin. Học để trang sức chứ không
phải để vận dụng vào công việc cách mạng”.
Bài
học thứ ba và cũng là bài học quan trọng nhất trong
phương pháp đọc của Hồ Chủ tịch là vấn đề áp dụng những điều đã đọc được vào
thực tiễn cách mạng, thực tiễn cuộc sống. Tiếp thu quan điểm của Nguyễn Trãi :
“Sửa mình lấy thiện làm vui. Lập thân đâu phải cứ ngồi đọc suông” và tán
thành quan niệm của Lê Quí Đôn: “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một
chữ đêm áp dụng được một chữ, thế là được”, Hồ Chủ tịch luôn rất chú trọng
đem ứng dụng các điều đã thu lượm được qua sách báo. Người đã từng nói : “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là
quí” nhưng Người đã nhấn mạnh : “Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không
biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách.”. Nếu như
trong học tập Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh
đến chữ hành thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng. Và
phải biết áp dụng dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của thực tiễn. Người rất
ghét lối đọc chỉ để mà đọc, với Người đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Và
sự vân dụng tài tình những điều đã học và đã đọc chính một trong những điểm mấu
chốt trong vấn đề đọc sách của Bác Hồ. Trong cuốn con đường dẫn tôi đến chủ
nghĩa Mác - Lênin trang 110, Người đã viết : “Chính là do cố gắng vận dụng
những lời dạy của Lênin nhưng vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp
với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi
như các đồng chí đã biết”.
Xã hội loài người phát triển được một phần
lớn là nhờ con người có khả năng học tập lẫn nhau cộng hưởng các sức mạnh cá
nhân tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng. Sách báo sẽ là một nguồn tài nguyên
vô giá giúp cho con người học tập và không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện
mình. Bài học tự học qua sách báo của Hồ Chủ tịch sẽ mãi là tấm gương sáng cho
mỗi người chúng ta học tập và noi theo. Và một lần nữa chúng ta lại
có thêm một minh chứng của việc “Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” (như
lời Cao Bá Quát xưa từng nói ). Ánh sáng từ đôi mắt ấy mãi mãi sẽ là ngọn đèn
soi rọi trên con đường dân tộc chúng ta đi.
Tài
liệu trích dẫn
1. Về cách mạng Việt Nam và Chủ
tịch Hồ Chí Minh. -H.: Uỷ ban khoa học xã hội, 1990
2. Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần cầu học
cầu tiến bộ.- H.: Sự thật, 1960.- Tr 14
3. Sơn Tùng. Búp sen xanh. H.: Kim Đồng,
2000.- Tr 176
4. Tên một bài báo Hồ Chủ tịch viết năm 1954
5. Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập 6.-
Tr 72
6. Chúng ta có Bác Hồ .- H.: Lao động,
1990. -Tr 46
7.
Hồ Chí Minh. Về vấn đề học tập. H.- Sự thật, 1971.- Tr 53
8.
Phan Ngọc. Bản sắc văn hoá Việt Nam.- H.: Văn hoá thông tin, 1998.- Tr 28.
Vũ Dương Thúy Ngà
- http://huc.edu.vn